29/2/16




Ông Trương Huyền Khánh, sanh 1945, tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, cư ngụ tại quận Bình Thạnh, Tp.HCM. Hỏi một loạt 5 câu như sau:
Một: Trong các Luận của Tổ sư thiền dạy: ai muốn cho Phật xuất hiện tâm mình phải thanh tịnh, là thanh tịnh làm sao?
Hai: Không dụng công tu làm sao Phật tánh hiện ra được?
Ba: Người muốn làm Phật tử phải như thế nào?
Bốn: Tứ đại luôn luôn bị luân chuyển, tức luân hồi, cớ sao trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa Đức Phật dạy: Tứ đại là hằng thường và thanh tịnh?
Năm: Thiền sư Đức Sơn nói: Các ông tu theo đạo Phật đừng để cho Đức Phật và các vị Tổ sư lừa mình. Tại sao Thiền sư Đức Sơn lại có lời nói xúc phạm như vậy? 
Trưởng ban Quản trị chùa trả lời cho ông Trương Huyền Khánh: 
- Câu thứ nhất: Phật tánh xuất hiện. Đây là các vị Thiền sư dạy cách tu Thiền Thanh tịnh:
1- Có nghĩa như sau: Khi người tâm tự nhiên được thanh tịnh mà hằng tri rồi, tức không còn bị các vọng tưởng lao xao trong tâm thức của người tu nữa; tâm vọng tưởng không còn, tức thì Phật tánh của người đó sẽ hiện ra, cho nên các Ngài nói: - “Tâm thanh tịnh thì Phật sanh”, còn bên Tịnh độ các Ngài dạy: “Tâm tịnh thì Độ tịnh”. Có nghĩa là khi tâm người tu thanh tịnh rồi, tức khắc tâm mình là Tịnh độ đó.
2- Còn tâm người tu mà khởi vọng lên thì tâm thanh tịnh không còn, cũng gọi là Phật tánh bị mất đi, nên các Ngài nói: “Tâm vọng khởi lên thì Phật liền bị diệt”.
Chúng tôi đưa ví dụ cụ thể về vật lý để ông hiểu thật rõ như: ly nước bị đục là vì lúc nào chúng ta cũng làm cho nó xao động, nếu chúng ta không làm cho nó động, nước trong ly sẽ dần dần trong sáng lại.
Câu thứ hai: Về dụng công tu hành để Phật tánh hiện ra: Đây là câu hỏi tuy bình thường, nhưng lại rất khó giải đến chỗ sâu mầu này. Vì chỗ sâu mầu này, nên các vị tu Thiền, họ bảo phải dụng công kiểu này, hành kiểu kia, để lòi ra Phật tánh. Tôi xin giải chỗ này, ông nên cố gắng lắng nghe cơ may sẽ lãnh hội được:
Phật tánh vốn là thanh tịnh, rỗng lặng và hằng tri. Phật tánh vốn là như vậy, nếu vị nào dụng công tu hành, càng dụng công tu, thì tâm mình càng bị động; càng bị động thì Phật tánh làm sao hiển lộ ra được.
Tôi xin phân tích như sau:
Hiện giờ, chúng ta đang sống trong sự cuốn hút của vật lý Âm Dương, tức chúng ta lúc nào cũng ở trạng thái động và chạy theo dòng luân hồi. Như vậy, luôn lúc nào chúng ta cũng động, nên Phật tánh không thể nào hiển lộ ra được.
Đức Phật dạy:
- Các ông muốn cho Phật tánh của chính mình hiện ra, các ông chỉ cần để tâm thanh tịnh, nhưng luôn lúc nào cũng hằng biết là đủ. Còn các ông dụng công tu kiểu này, hành thiền theo kiểu nọ, tức các ông khuấy động tâm vật lý của các ông bị động, càng dụng công càng bị động thêm, thì làm sao Phật tánh hiển lộ ra được?
Vì nguyên lý này, mà Đức Phật dạy vị nào tu theo pháp môn Thiền Thanh tịnh là không cho dụng công là nguyên lý này vậy.
Câu thứ ba: Người muốn làm một Phật tử thật đúng nghĩa, người ấy bắt buộc phải nhận ra Tri, Kiến chân thật của chính mình; còn người không nhận ra, chỉ là mang danh từ hư ảo mà thôi!
Câu thứ tư: Nơi kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật dạy tứ đại hằng thường, còn Phật tánh là vô thường: Đức Phật dạy chỗ này có ý nghĩa như sau:
- Tứ đại hằng thường còn. Tôi xin ví dụ: Như tánh nước, dù ở đâu cũng là nước: ở trong người, ở trong động vật hoặc ở trong ao, hồ, sông, biển, đều là tánh nước cả, nên gọi là thường. Tuy nước có luân chuyển, tức luân hồi, dù ở đâu, tánh nước vẫn là tánh nước. Vì vậy, gọi tứ đại là thường trong cái chân thường là vậy. Tánh nước có luân hồi, nhưng bản chất của nước vẫn là thanh tịnh, ba đại kia cũng như vậy.
Câu thứ năm: Đức Phật và các vị Tổ sư lừa người tu, xin giải thích như sau:
Đức Phật lừa người tu như sau: 
Như Đức Phật lừa người tu niệm Phật A Di Đà: Ai muốn tu về nước của Đức Phật A Di Đà để thụ hưởng những thức ăn toàn là những thứ ngon và quý nhất. Đất thì bằng vàng ròng, còn cảnh thì rất tốt tươi xinh đẹp. Chim muông, toàn là những thứ chim quý như: Ca Lân Tần Già, chim Anh Vũ, Bạch hạt, v.v… tiếng hót rất hay, người nghe lòng mình được phơi phới, v.v… 
Đức Phật dạy: 
Ai muốn thụ hưởng những thứ nói trên, hãy niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, mà phải niệm cho đến khi vô niệm, sẽ được Đức Phật A Di Đà rước người niệm về nước của Ngài ở. Người có lòng tham lam, ham muốn cảnh mình ở sung sướng như vậy, nên niệm cho đến khi vô niệm, khi vô niệm rồi, cái tiếng niệm của mình tự nhiên không còn nữa. Người niệm liền cảm nhận được Tánh Thanh tịnh của chính mình, nhờ sống được với Tánh Thanh tịnh của chính mình , nên nhìn thấy được “Màn trong suốt của Hải Triều Âm”. Bên kia màn trong suốt của Hải Triều Âm là “Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh”. 
Đến đây, nước của Đức Phật A Di Đà đâu không thấy, mà chỉ thấy Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh là nơi Mười phương chư Phật sinh sống, cũng là quê hương cũ của chính mình. 
Nhờ Đức Phật Thích Ca lừa vậy, nên mình mới nhìn thấy “Quê hương chân thật” của chính mình. Còn muốn về sống nơi ấy thì phải biết công thức mới về được.
Còn các vị Tổ sư lừa người tu:
Các vị Tổ sư lừa người tu đặc biệt hơn Đức Phật:
Như có người tu nào đến hỏi các vị Tổ sư:
- Kính thưa Tổ: Làm sao con nhận ra Phật tánh của con.
Tổ liền đáp:
- Ông biết gạo ngoài chợ hôm nay giá bao nhiêu không?
Một câu trả lời lạc đề như vậy, ai lanh lợi sẽ nhận ra Phật tánh của chính mình, còn bằng cố tìm ý nghĩa câu trả lời của Tổ, muôn kiếp như đi tìm lông con rùa, hay sừng con thỏ vậy!
Vì chỗ bí hiểm này: một ngàn người hỏi, chưa chắc có một người hiểu. 
Để giúp cho những người có duyên lớn với Phật pháp, chúng tôi xin giải đáp như sau: Mong quý vị cố gắng nghe, nếu nhận ra hãy bám lấy đó mà tu theo lời của Tổ dạy.
Sở dĩ, Tổ trả lời như vậy là vì các Ngài muốn cho người hỏi không thể nào suy nghĩ lời nói của các Ngài được. Không suy nghĩ tức hết các vọng tưởng, hết các vọng tưởng tức người hỏi đã sống trong cái thanh tịnh của chính mình rồi. Chỉ một câu trả lời lạc đề ấy, mà Tổ đã đẩy người hỏi “Rơi vào cái Tánh Thanh tịnh” của chính mình lúc nào mà mình không hay!
Vì chỗ quá bí hiểm này, chúng tôi xin lập lại: Vị nào nhận ra chỗ này, tức khắc giác ngộ ngay! Mình giác ngộ là vì nhờ các Tổ lừa mình vậy! 
Người tu mà còn ham kiếm tìm, hoặc ham dụng công, thì đối với đạo Thiền coi như vô phần!
Ông Trương Huyền Khánh thốt lên: 
- Suốt đời tu học của tôi, tôi chưa hề nghe ai giải nói chỗ bí hiểm của Đức Phật dạy, cũng như biệt truyền của các vị Tổ. 
Ông hết sức vui mừng và cám ơn Trưởng ban. Nhiều người có mặt, ai cũng vui mừng theo.
TRÍCH QUYỂN " KHAI THỊ THIỀN TÔNG" - TÁC GIẢ NGUYỄN NHÂN.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

___________________

___________________

TIN TỨC